Rà Soát Tình Hình Gia Tăng Nhập Khẩu Thép Cán Nóng Năm 2024
Những năm gần đây số lượng nhập khẩu thép cán nóng vào nước ta đang có xu hướng tăng trưởng, gây nhiều tác động tiêu cực đến sự phát triển của ngành thép trong nước. Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết về việc đánh giá và rà soát tình hình gia tăng nhập khẩu thép cán nóng. Hãy cùng Thép An Khánh phân tích kỹ lưỡng hơn về thực trạng trên ngay trong bài viết.
1. Mục đích của việc rà soát tình hình gia tăng nhập khẩu thép cán nóng
Việc rà soát tình hình gia tăng nhập khẩu thép cán nóng là điều vô cùng cần thiết nhằm đạt được các mục đích sau đây:
- Thu thập, rà soát, tổng hợp dữ liệu: Cung cấp cái nhìn rõ ràng và chính xác về thực trạng nhập khẩu thép cán nóng.
- Đánh giá tác động kinh tế: Xác định mức độ ảnh hưởng của thép cán nóng nhập khẩu đối với ngành sản xuất thép trong nước và nền kinh tế nói chung. Đồng thời, tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng này.
- Đưa ra giải pháp và Xây dựng chính sách phù hợp: Dựa trên các số liệu và đánh giá, cơ quan chức năng có thể chủ động thực hiện các biện pháp phù hợp, kịp thời, hiệu quả theo thẩm quyền và quy định pháp luật, bảo vệ lợi ích chính đáng ngành sản xuất trong nước, phù hợp với thông lệ quốc tế và môi trường cạnh tranh bình đẳng.
2. Phân tích tình hình gia tăng nhập khẩu thép cán nóng
2.1. Tổng quan về thị trường thép cán nóng hiện tại
Ngành thép là ngành công nghiệp nặng cơ sở của mỗi quốc gia, đóng vai trò hỗ trợ cho nhiều ngành kinh tế quan trọng như cơ khí và xây dựng. Trong đó, thép cán nóng là một sản phẩm và nguyên liệu chủ đạo, đóng vai trò quyết định đến sự phát triển của ngành thép cũng như toàn bộ nền kinh tế. Trong bài viết này, Thép An Khánh sẽ cung cấp một cái nhìn tổng quan về thị trường thép cán nóng toàn cầu và tại Việt Nam nhé!
2.1.1. Tổng quan về thị trường thép cán nóng thế giới:
Vượt qua những trầm lắng, đảo chiều liên tục của thị trường thép năm 2023, bước sang năm 2024, các chuyên gia dự báo, nhu cầu thép sẽ dần được cải thiện và có những chuyển biến tích cực.
Theo số liệu của Hiệp hội Thép thế giới (worldsteel), tổng sản lượng thép thô của thế giới năm 2023 đạt 1892 triệu tấn, trong đó thép cuộn cán nóng đạt 75,6 triệu tấn. Các quốc gia sản xuất thép lớn như Trung Quốc, Ấn Độ và EU vẫn chiếm lĩnh thị trường với sản lượng lớn; Cụ năm 2023, thể Trung Quốc chiếm 53,9%, Ấn độ chiếm 7,4% và EU chiếm 6,7% trên tổng sản lượng thép của thế giới. Worldsteel đã công bố dự báo nhu cầu thép ngắn hạn (SRO) cho năm 2024 sẽ phục hồi 1,7% và năm 2025 sẽ tăng 1,2 %.
Cũng theo phân tích của Hiệp hội Thép thế giới (Worldsteel), chỉ trong năm 2023, thị trường thép chứng kiến sự sụt giảm mạnh trong hoạt động xây dựng nhà ở tại các đất nước như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và EU. Nguyên nhân của sự đi xuống này là do: chi phí sản xuất cao, điều kiện tài chính eo hẹp và nhu cầu toàn cầu giảm cũng ảnh hưởng lớn đến nhu cầu thép toàn cầu năm 2023.
Đối mặt với tình trạng này, các chuyên gia có dự kiến đến hết năm 2024, ở hầu hết các thị trường lớn vẫn còn tồn tại sự tác động trễ của việc thắt chặt tiền tệ, và sự phục hồi có ý nghĩa trong lĩnh vực xây dựng sẽ chỉ bắt đầu từ năm 2025 trở đi. Còn đối với các nền kinh tế mới nổi được cho là sẽ tăng trưởng nhanh hơn, trong đó châu Á vẫn duy trì được khả năng phục hồi.
2.1.2. Tổng quan thị trường thép cán nóng Việt Nam
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), năm 2023, sản xuất thép thô tại thị trường Việt Nam đạt gần 19,2 triệu tấn; tiêu thụ thép thô đạt gần 18,8 triệu tấn; xuất khẩu thép thô đạt gần 1,8 triệu tấn. Trong đó, sản xuất thép cán nóng đạt 6,73 triệu tấn; tiêu thụ thép cán nóng đạt 6,81 triệu tấn và xuất khẩu thép cán nóng đạt 3,41 triệu tấn.
Triển vọng sản xuất thép của Việt Nam sẽ tăng khoảng 10% trong năm 2024 và 8% vào năm 2025 khi nhu cầu sử dụng thép các ngành kinh tế trong nước hồi phụ trở lại. Dự báo sản xuất thép thành phẩm 2024 – 2025 sẽ đạt khoảng 28-30 triệu tấn và nhu cầu tiêu thụ thép trong nước ước đạt khoảng 21-22,5 triệu tấn.
Theo thống kê của Hiệp hội Thép thế giới (worldsteel), Việt Nam xếp thứ 8 trong tổng số 20 quốc gia có sản lượng nhập khẩu thép lớn nhất thế giới năm 2023, với 14 triệu tấn. Việt Nam là quốc gia đang phát triển với nhu cầu sử dụng thép lớn trong phát triển hạ tầng cơ sở. Tiêu thụ thép bình quân đầu người hiện ở mức 240 kg/người và dự kiến tăng lên 290-300 kg/người vào năm 2030. Thép cán nóng và ngành thép nói chung là một ngành kinh tế mũi nhọn tại Việt Nam với nhiều tiềm năng và cơ hội phát triển.
2.2. Tình hình gia tăng nhập khẩu thép cán nóng trong thời gian gần đây
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2023 lượng nhập khẩu thép cán nóng tăng mạnh lên hơn 9,6 triệu tấn, chủ yếu là từ Trung Quốc và Ấn Độ. Đáng chú ý là giá nhập khẩu đã giảm mạnh từ 613 USD vào đầu năm 2023 xuống còn 541 USD vào cuối năm 2023.
Đặc biệt, Lũy kế 4 tháng đầu năm 2024, tổng lượng thép cán nóng nhập khẩu về Việt Nam là3,93 triệu tấn, tăng 32% so với cùng kỳ 2023 và bằng 159% lượng sản xuất của toàn ngành sản xuất HRC trong nước. Trong đó, lượng nhập từ Trung Quốc chiếm 73% với 2,9 triệu tấn, gấp hơn 2 lần cùng kỳ 2023. Chưa hết, giá nhập khẩu từ một số nước còn giảm 20-26% so với năm 2022. Đây là điều chưa từng có với ngành thép khi Việt Nam hầu như đã tự chủ được về mặt hàng này.
Tóm lại, ngành thép Việt Nam hiện nay có nhiều cơ hội thuận lợi để phát triển nhờ vào nhu cầu thị trường tăng cao và các chính sách hỗ trợ từ chính phủ. Bên cạnh đó, tình hình gia tăng nhập khẩu thép cán nóng và tình trạng bán phá giá lại đang gây ra nhiều thách thức và rủi ro đến các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước. Điều này yêu cầu cần thiết mở cuộc điều tra, rà soát thép cán nóng nhập khẩu và siết lại “hàng rào” bảo vệ sản xuất trong nước.
Xem thêm: Tìm Hiểu Về Các Loại Thép Xây Dựng: Ưu Điểm Và Ứng Dụng
3. Những yếu tố đang ảnh hưởng đến việc nhập khẩu thép cán nóng
Việc nhập khẩu thép cán nóng là một vấn đề phức tạp và chịu ảnh hưởng từ nhiều yếu tố khác nhau. Dưới đây, Thép An Khánh sẽ liệt kê một số yếu tố chính ảnh hưởng đến việc nhập khẩu thép cán nóng, bao gồm:
- Chính sách bảo hộ thương mại: Các quốc gia thường áp dụng các biện pháp bảo hộ thương mại như thuế nhập khẩu, phí chống bán phá giá và các biện pháp chống bán phá giá. Điều này có thể ảnh hưởng trực tiếp đến giá cả và lượng thép cán nóng được nhập khẩu vào một quốc gia.
- Yếu tố cung – cầu: Nếu nhu cầu thép cán nóng trong nước tăng cao và sản xuất nội địa không đủ cung ứng, việc nhập khẩu thép cán nóng sẽ tăng để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ.
- Biến động giá thép toàn cầu: Giá cả thép trên thị trường thế giới có thể làm thay đổi cơ cấu chi phí sản xuất, làm cho sản phẩm nhập khẩu trở nên cạnh tranh hơn so với sản phẩm trong nước.
- Chất lượng sản phẩm: Sự khác biệt về chất lượng và tiêu chuẩn kỹ thuật giữa sản phẩm nhập khẩu và sản phẩm trong nước có thể ảnh hưởng đến lựa chọn của các doanh nghiệp và người tiêu dùng. Đặc biệt, thị trường Việt Nam có thị hiếu ưa chuộng hàng ngoại cũng là một thách thức với các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước.
- Yếu tố chính trị: Yếu tố chính trị cũng ảnh hưởng không nhỏ đến sự biến động của ngành thép nói chung, ví dụ phải kể đến xung đột quân sự Nga – Ucraina cùng với bất ổn gia tăng tại Trung Đông
- Yếu tố công nghệ: Các tiến bộ trong công nghệ sản xuất thép có thể làm giảm chi phí và tăng năng suất, ảnh hưởng đến sự cạnh tranh của thép nhập khẩu. Ngoài ra, sản xuất thép cũng là một ngành đòi hỏi công nghệ cao, nếu sản xuất nội địa không thể đáp ứng tạo nên giá bán cao cũng có thể tạo điều kiện gia tăng nhập khẩu thép.
4. Quy trình rà soát
Để đánh giá và đưa ra các biện pháp phù hợp, đúng đắn, cần tiến hành rà soát tình hình gia tăng nhập khẩu thép cán nóng theo đúng quy trình, công khai, minh bạch. Quy trình này cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chính phủ, các nhà sản xuất thép trong nước và các tổ chức chuyên môn. Thông thường quy trình rà soát bao gồm các bước sau:
- Thu thập dữ liệu và phân tích thị trường: Bước đầu tiên là thu thập các thông tin chi tiết về thép nhập khẩu trong khoảng thời gian nhất định. Dữ liệu này có thể bao gồm nguồn gốc xuất xứ, loại thép, số lượng, giá cả, tình hình sản xuất trong nước, các nhà sản xuất xuất khẩu chính và thị trường đích. Tiến hành tổng hợp, phân tích và đánh giá tổng quan.
- Đánh giá tác động lên thị trường nội địa: Đánh giá cụ thể tác động của việc nhập khẩu đối với thị trường thép trong nước, bao gồm sản lượng, sự cạnh tranh về giá cả, ảnh hưởng đến năng lực sản xuất của các nhà máy trong nước, và tình trạng sử dụng công suất.
- Xác định nguồn gốc và chất lượng sản phẩm: Nhận diện các nhà sản xuất chủ yếu của thép và các nước xuất khẩu chính vào thị trường Việt Nam. Đây là bước quan trọng để hiểu rõ nguồn gốc và chất lượng của sản phẩm nhập khẩu. Đồng thời có sự so sánh đánh giá với chất lượng của sản phẩm nội địa.
- Phân tích tình hình kinh tế và chính sách toàn cầu: Phân tích các yếu tố kinh tế, chính sách như biến động giá cả thế giới, các chính sách thương mại của các nước xuất khẩu, và các quy định bảo vệ môi trường, an toàn lao động liên quan đến sản xuất thép. Đây là các yếu tố cơ cấu nên giá xuất khẩu của các nước.
- Kết luận thực trạng và Đề xuất giải pháp: Sau khi đánh giá, phân tích chi tiết và cụ thể, cần đưa ra kết luận về các vấn đề cần được giải quyết liên quan đến việc nhập khẩu thép. Từ đó, xây dựng kế hoạch, đề xuất giải pháp về cách thức xử lý tình hình.
- Triển khai và theo dõi: Sau khi được phê duyệt, triển khai kế hoạch và tiến hành theo dõi để đảm bảo rằng các biện pháp đề xuất có hiệu quả và sẵn sàng thích ứng với những biến động mới trong tương lai.
Xem thêm: Kết Cấu Thép Có Tốt Hơn Bê Tông Không?
5. Đề xuất cải thiện chất lượng và hiệu quả sản xuất thép
Việc cải thiện chất lượng và hiệu quả sản xuất thép đóng vai trò vô cùng quan trọng, nhằm tạo nên sự phát triển bền vững và lâu dài cho thép cán nóng và ngành thép Việt Nam nói chung. Đồng thời, khi chất lượng của sản phẩm thép nội địa được nâng cao với giá cả cạnh trạnh cũng sẽ giúp cải thiện tình hình nhập khẩu thép cán nóng đang tăng cao như hiện nay. Vậy làm thế nào để cải thiện chất lượng và hiệu quả sản xuất thép? Dưới đây là một số đề xuất cụ thể:
- Đầu tư vào công nghệ tiên tiến: Cần cải tiến quy trình sản xuất bằng cách áp dụng tự động hóa và số hóa để tăng năng suất, nâng cao chất lượng thép đồng đều và giảm thiểu lỗi; sử dụng hệ thống quản lý thông minh để theo dõi và tối ưu hóa quá trình sản xuất.
- Kiểm soát và nâng cao chất lượng nguyên liệu đầu vào: Thiết lập quy trình kiểm tra chất lượng nguyên liệu đầu vào một cách chặt chẽ. Sử dụng các nguồn nguyên liệu có chất lượng cao và ổn định. Từ đó, tạo ra thành phầm chất lượng và hiệu quả. Đồng thời, cần tăng cường tái chế thép phế liệu để giảm chi phí nguyên liệu và bảo vệ môi trường.
- Tăng cường kiểm soát chất lượng: Áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng toàn diện để kiểm soát chất lượng sản phẩm ở mọi giai đoạn sản xuất. Thực hiện các cuộc kiểm tra và đánh giá định kỳ để phát hiện và khắc phục các vấn đề chất lượng kịp thời.
- Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực: Tổ chức các chương trình đào tạo chuyên môn cho công nhân và kỹ sư để nâng cao kỹ năng và hiểu biết về công nghệ sản xuất thép. Từ đó, giúp cải thiện chất lượng và hiệu suất làm việc.
- Thúc đẩy nghiên cứu và phát triển (R&D): Khuyến khích các hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ mới để nâng cao chất lượng và hiệu quả sản xuất thép. Tăng cường hợp tác với các tổ chức nghiên cứu và doanh nghiệp quốc tế để tiếp cận các công nghệ và phương pháp sản xuất tiên tiến.
- Áp dụng biện pháp và quy định bảo vệ môi trường: Ngành thép Việt Nam tiếp nối xu hướng sản xuất và sử dụng sản phẩm thân thiện môi trường trong chiến lược phát triển bền vững toàn cầu, đặc biệt với cam kết của Chính phủ Việt Nam tại COP26 về phát thải ròng carbon bằng không vào năm 2050.
Trên đây là toàn bộ bài viết của Thép An Khánh chia sẻ cho bạn về tình hình gia tăng nhập khẩu thép cán nóng. Hãy liên hệ với chúng tôi ngay hôm nay để được tư vấn cụ thể qua Hotline: 033 803 7676 – 0243.885.2184 – 0243.885.0915. Đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp luôn sẵn sàng hỗ trợ Quý khách.